Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến, hôm nay (3/9) sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về phương án khôi phục lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ giữa nước ta với một số nước và vùng đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo phương án của Bộ GTVT, dự kiến mỗi đường bay sẽ có tối thiểu 2 chuyến khứ hồi/tuần, hãng khai thác sẽ được chỉ định trước, thời gian thực hiện từ 15/9.
Nguyên tắc có đi có lại
Theo Bộ GTVT, hiện tại, các nước và vùng đã thống nhất khôi phục lại đường bay thương mại thường lệ với Việt Nam, trên cơ sở có đi có lại, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc; Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc); Campuchia…
Bộ GTVT đề xuất chỉ định hãng hàng không khai thác khi một số đường bay thương mại quốc tế thường lệ được khôi phục trở lại.
Cụ thể, với đường bay Việt Nam - Nhật Bản, trên cơ sở mong muốn 2 bên, Bộ GTVT đề xuất khôi phục lại 2 đường bay thương mại thường lệ giữa Hà Nội/TPHCM - Tokyo, tần suất mỗi đường bay 1 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên (tổng 2 chuyến khứ hồi/đường bay/tuần). Hãng hàng không phía Việt Nam khai thác thường lệ vào thứ 3 hằng tuần.
Với đường bay Việt Nam - Hàn Quốc, khôi phục lại 2 đường bay thương mại thường lệ giữa Hà Nội/TPHCM - Seoul, tần suất mỗi đường bay 1 chuyến khứ hồi/đường bay/tuần cho mỗi bên. Phía Việt Nam khai thác vào thứ 4 hằng tuần.
Đường bay Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc), phía Đài Loan đề xuất khai thác lại đường bay Đài Bắc - Hà Nội/TPHCM, tần suất tối thiểu 1 chuyến khứ hồi/đường bay/tuần cho mỗi bên. Phía Việt Nam khai thác vào thứ 5 hằng tuần.
Với đường bay Việt Nam - Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết, phía nước bạn đã thống nhất với phương án nối lại đường bay TPHCM - Quảng Châu, tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên. Phía Việt Nam khai thác vào thứ 2 hằng tuần.
Đường bay Việt Nam - Campuchia, Bộ GTVT đề xuất khôi phục đường bay Cần Thơ - Phnom Penh, tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên. Phía Việt Nam khai thác vào thứ 6 hằng tuần. Đường bay Việt Nam - Lào, đề xuất mở 1 đường bay đi/đến Hà Nội, tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên.
Sẽ chỉ định hãng bay
Cùng với phương án trên, Bộ GTVT cũng đề xuất chỉ định hãng hàng không phía Việt Nam được khai thác các đường bay này. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất chỉ định hãng hàng không Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác các đường bay giữa: Hà Nội - Tokyo (Nhật)/Seoul (Hàn Quốc)/Đài Bắc (Đài Loan), TPHCM - Quảng Châu (Trung Quốc), Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia), Việt Nam - Lào. Hãng hàng không Vietjet được chỉ định khai thác các đường bay giữa: TPHCM - Tokyo/Seoul/Đài Bắc.
Theo thỏa thuận từ hai phía, phía Nhật chỉ định 2 hãng hàng không khai thác đường bay với Việt Nam là Japan Airlines và All Nippon Airways; Hàn Quốc chỉ định hãng Korean Air và Asiana Airlines; Đài Loan chỉ định hãng China Airlines và Eva Air; Campuchia chỉ định hãng Cambodia Angkor Air. Trung Quốc và Lào mỗi nước chỉ định 1 hãng hàng không khai thác.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, cơ quan này tính toán, với việc mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế trên, Việt Nam cần hơn 10.000 chỗ trong 14 ngày để cách ly hành khách. Trong đó, tính theo tuần, khách về Hà Nội tối đa 2.200 người/tuần, về TPHCM tối đa 2.450 khách/tuần, về Cần Thơ tối đa 400 người/tuần.
Ngày 1/9, Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, LĐ-TB&XH để nghe góp ý với phương án khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ trên. Tại cuộc họp này, phía Bộ Y tế đề nghị phải đảm bảo cách ly tập trung với khách nhập cảnh để phòng chống dịch. Phía Bộ Công an đề nghị, trước mắt chỉ cho phép nhập cảnh với công dân Việt Nam, nhà ngoại giao, công vụ, doanh nghiệp, chuyên gia, sau đó mở rộng dần. Về số chỗ cách ly, theo Bộ Quốc phòng, các khu vực của quân đội chỉ đáp ứng được một phần theo yêu cầu. Nếu mở rộng khu cách ly ra các khách sạn, nhà nghỉ (có thu phí) phải đợi các địa phương rà soát, thống kê với cơ sở đủ điều kiện. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, chỉ khi đủ chỗ cách ly khách nhập cảnh đảm bảo an toàn mới có thể nối lại đường bay thương mại quốc tế.
Với khách nhập cảnh dưới 14 ngày mà không cần cách ly, theo Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 (Bộ Y tế ban hành ngày 1/9), chỉ cho phép các trường hợp nhập cảnh với mục đích làm việc, gồm: Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước; Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ... Điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại… với những khách này, địa phương có trách nhiệm đảm bảo áp dụng các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Với những người được phép nhập cảnh, trước đó Bộ GTVT cũng từng có một số kiến nghị, như: Không hạn chế khách nhập cảnh vì mục đích khác (có thể mở rộng với cả khách du lịch, thăm thân, điều kiện là phải cách ly tập trung 14 ngày); trong vòng 30 ngày trước ngày khách bay không đi/đến vùng có dịch bệnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2; trả phí cách ly (nếu có)... Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, với yêu cầu cách ly 14 ngày, khi khôi phục lại đường bay thương mại, khả năng khách du lịch đến Việt Nam sẽ chưa có.
Về phía các hãng hàng không Việt Nam, các hãng đều bày tỏ, luôn sẵn sàng các điều kiện về nhân sự, phương tiện…để bay ngay khi được nhà chức trách cho phép. Từ tháng 7/2020, Bộ GTVT cũng đề xuất khôi phục 1 số đường bay thương mại quốc tế thường lệ vào đầu tháng 8.
Trường hợp được phép khôi phục lại các đường bay thương mại, Bộ GTVT tính toán: tổng số khách tối đa từ Nhật về nhập cảnh cần cách ly là 1.120 người/tuần chia đều cho Hà Nội và TPHCM; từ Hàn Quốc về tối đa 1.300 người/tuần chia đều cho Hà Nội và TPHCM; từ Đài Loan về Hà Nội tối đa 620 khách/tuần, về TPHCM tối đa 700 khách/tuần; từ Quảng Châu về TPHCM tối đa 540 khách/tuần; từ Campuchia về Cần Thơ tối đa 400 khách/tuần; từ Lào về Hà Nội tối đa 350 khách/tuần.
Bình luận của bạn