Nhật Bản đánh giá cao chất lượng hộ lý, điều dưỡng Việt Nam

Chất lượng của điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên được đào tạo mỗi khóa...

Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo chặt chẽ trước khi sang Nhật làm việc. Ảnh minh họa.

Thông tin này được đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tại Hội nghị Sơ kết chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2012-2019.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định VJEPA đã được hai nước chính thức triển khai từ năm 2012.

Chương trình này tuân thủ các quy định chặt chẽ từ khâu tuyển chọn đối tượng, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho ứng viên tại Việt Nam đến quản lý trong thời gian làm việc tại Nhật Bản.

Triển khai Hiệp định VJEPA, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 1.610 ứng viên. Trong đó, có 1.340 ứng viên từ khóa 1 đến 7 khóa đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.

Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác với tỉ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% với ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỉ lệ đỗ khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của phía nước bạn luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa.

Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng của Nhật Bản hàng năm hơn 2.000 người, lớn hơn nhiều lần so với số ứng viên được đào tạo không chỉ thể hiện Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở mức cao, mà còn thể hiện các ứng viên của chúng ta sau khi sang Nhật làm việc đã nỗ lực hết mình để xây dựng uy tín, hình ảnh trong lòng người dân Nhật Bản.

Hiện, Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đã và đang đưa người lao động đến làm việc. Việc hợp tác đưa hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản theo chương trình EPA được xem là một điểm sáng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả cao và góp phần mở rộng quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

"Các cơ quan quản lý chương trình của hai Chính phủ đều tin tưởng rằng với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan liên quan của Nhật Bản, Việt Nam và sự nỗ lực của các ứng viên, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đào tạo, đưa sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này.

Khi trở về, các em sẽ góp phần thúc đẩy phát triển của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Hiện nay, mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản theo quy định của pháp luật Nhật Bản, thông thường với ứng viên điều dưỡng là 130.000-140.000 Yên/tháng, ứng viên hộ lý là 140.000-150.000 Yên/tháng. Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Nguồn: https://vneconomy.vn/nhat-ban-danh-gia-cao-chat-luong-ho-ly-dieu-duong-viet-nam-20201112123142789.htm

 

Bình luận của bạn