Nhật Bản: Những ưu tiên của tân Thủ tướng Yoshihide Suga

GD&TĐ - Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư và đồng minh chiến lược của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, tân Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ nối tiếp người tiền nhiệm, vực dậy nền kinh tế và duy trì quan hệ tốt với các quốc gia.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Tân Thủ tướng  “được lòng” dân

Ngày 16/9, Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản - ông  Yoshihide Suga chính thức trở thành tân Thủ tướng. Ông Suga được cho là giành chiến thắng một cách dễ dàng, với 314/462 phiếu hợp lệ tại hạ viện. Ông Suga (71 tuổi), từ lâu đã được coi là “cánh tay phải” của Thủ tướng Shinzo Abe. Do xuất thân từ nông thôn, tân Thủ tướng Nhật Bản được dự đoán sẽ đặt mối quan tâm tới khu vực này lên hàng đầu.

Thủ tướng Suga cho biết sẽ theo đuổi những kế hoạch người tiền nhiệm chưa hoàn tất. Ngoài ra, việc phòng, chống Covid-19 cũng là một ưu tiên hàng đầu nhằm vực dậy nền kinh tế. Tân Thủ tướng Nhật được cho là sẽ đối mặt với hàng loạt thử thách, gồm: Xã hội già hóa nhanh chóng với gần 1/3 dân số trên 65 tuổi, quan hệ với Trung Quốc, Thế vận hội Tokyo và thiết lập mối quan hệ tốt với người chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.

Mới đây, ông Suga đã giữ lại 8 vị trí trong Nội các của người tiền nhiệm Shinzo Abe, điều chuyển 2 vị trí và bổ nhiệm mới các vị trí còn lại. Đáng chú ý, có 2/21 thành viên Nội các là nữ giới, gồm Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa và Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo Seiko Hashimoto.

2 vị trí được điều chuyển gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính; Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato làm Chánh Văn phòng Nội các. Ông Suga cũng bổ nhiệm ông Nobuo Kishi - người từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông  Taro Kono.

Vực dậy nền kinh tế

Ngày 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khoẻ. Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ, ông muốn xin lỗi người dân cả nước vì không thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian đại dịch bùng phát. Ông Abe bị viêm loét đại tràng kinh niên và căn bệnh này tái phát trong thời gian gần đây. Đây cũng là nguyên nhân khiến Thủ tướng Abe đột ngột từ chức vào năm 2007, kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên chỉ sau hơn một năm tại vị.

Ông Abe được đánh giá là người đã định hình lại nước Nhật thời hiện đại, bao gồm phục hưng nền kinh tế khỏi trì trệ vào những năm 1990. Khi nhậm chức năm 2012, Thủ tướng Abe muốn phục hồi nền kinh tế bằng chính sách Abenomics với 3 mục cải cách chính: Chính sách nới lỏng tiền tệ; Kích thích chi tiêu; Cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Các nhà phân tích cho biết, tân Thủ tướng Suga có thể sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp có thể để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe. 

Nhà phân tích Katsumi Ishibashi thuộc Fidelity International nhận định: “Chính sách kinh tế của chính phủ, thúc đẩy cải cách cơ cấu cũng như sự ổn định của chính quyền nhằm hỗ trợ các sáng kiến ​​quan trọng này là ba mối quan tâm hàng đầu của tân Thủ tướng”. 

Trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Thủ tướng, ông Suga khẳng định  sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ công ăn việc làm của người lao động, trong bối cảnh chống lại Covid-19.

Scott Seaman - Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Eurasia dự đoán, Thủ tướng Suga có thể sẽ đưa ra các biện pháp: Trích 10 nghìn tỷ Yên (95,44 tỷ USD) trong quỹ dự phòng từ ngân sách bổ sung thứ hai năm 2020; Thông qua ngân sách bổ sung thứ ba; Lập một ngân sách thường xuyên cho năm 2021 để thúc đẩy nền kinh tế.

“Ngân sách của năm tới có thể sẽ lớn và chúng ta không thể loại trừ khả năng chính phủ của Thủ tướng Suga sẽ áp dụng các biện pháp mới, như miễn một năm thuế thu nhập cá nhân cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn”, ông Seaman cho hay.

Khó đi xa khỏi “Abenomics”

Chiều 16/9/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố thành phần Nội các mới. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Suga khó có thể đi xa khỏi con đường của “Abenomics”.

Tom Learmouth - nhà kinh tế học Nhật Bản tại Capital Economics, cho biết Thủ tướng có thể sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi ngay lập tức nào đối với chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Các chính trị gia Nhật Bản thường có ảnh hưởng lớn hơn đến chính sách tiền tệ so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Tuy nhiên, tân Thủ tướng sẽ có cơ hội để định hình lại hội đồng chính sách của ngân hàng trung ương, khi hai thành viên được thay thế vào năm tới.

“Một sự thay đổi có thể xảy ra. Điều này có thể dẫn đến việc sẵn sàng cắt giảm chính sách lãi suất cao hơn. Ông Suga có vẻ ít lo ngại hơn các thành viên Hội đồng quản trị hiện tại về các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính từ việc cắt giảm lãi suất”, Learmouth nhận định trong báo cáo “Unpacking Suganomics”.

Thủ tướng Suga cũng được dự kiến ​​nhanh chóng cải cách ngân hàng khu vực do lo ngại về khả năng sinh lời giảm sút. “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm trầm trọng thêm những lo ngại này, bằng cách thúc đẩy các khoản nợ không hiệu quả. Do đó, chúng tôi kỳ vọng động lực thúc đẩy sáp nhập giữa các ngân hàng trong khu vực sẽ đạt được tiến độ dưới thời Thủ tướng Suga. Điều đó sẽ giúp giảm bớt mối đe dọa từ chính sách tiền tệ nới lỏng đối với sự ổn định tài chính trong dài hạn”, chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, khi nói đến chính sách tài khóa, sự khác biệt giữa Thủ tướng Suga và người tiền nhiệm Abe được cho là “rất nhỏ”. Ông Suga đã cam kết duy trì chính sách hiện tại cho đến khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Theo nhà nghiên cứu này, ông Suga có thể làm tăng lượng di cư ròng hằng năm, giúp bù đắp phần nào hạn chế do dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng có thể đẩy mạnh việc tăng lương, ngay khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Nhờ đó, nâng cao năng suất lao động. 

Việt Nam vẫn là  điểm đến hấp dẫn 

Một cuộc khảo sát của Công ty tư vấn Nhật Bản NNA Japan Co, thuộc Tập đoàn Kyodo News, nhấn mạnh Việt Nam đã được các công ty Nhật Bản đánh giá là nơi hứa hẹn nhất ở châu Á để đầu tư vào năm 2020, bên cạnh Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Hiện tại, nhờ nhiều ưu thế, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).       

Cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào cuối năm 2019, đặc biệt tập trung vào các điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở châu Á đối với các nhà đầu tư Nhật Bản trong năm 2020. Trong đó, Việt Nam đứng đầu danh sách với hơn 40% số người được hỏi cho rằng, đây là cường quốc kinh tế Đông Nam Á.

Trong cuộc khảo sát do NNA Japan thực hiện từ ngày 26/11 - 9/12/2018, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong cuộc khảo sát đó, hơn 35% người được hỏi cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Cuộc khảo sát NNA được cho là vô cùng cần thiết, khi một lần nữa tái khẳng định vị trí Việt Nam với tư cách là người chơi kinh tế quan trọng, không chỉ trong ASEAN hay châu Á, mà trên toàn cầu. 

Theo ước tính, Việt Nam đã nhận được cam kết trị giá 38 tỷ USD vào năm 2019 (tăng 7% so với năm trước và mức cao nhất trong 10 năm). Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến các nước khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam.

“Đất nước mặt trời mọc” cũng được biết đến như một nhân tố chính trong câu chuyện tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á. Trong khi xét về FDI, đầu tư của Nhật Bản thấp hơn so với các quốc gia và khu vực như Hồng Kông hay Singapore trong năm 2019. Tuy nhiên, năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với số vốn trên 8 tỷ USD. 

Quan hệ Nhật - Việt ngoài FDI 

Nhật Bản được cho là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng đối với việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - cơ quan điều phối viện trợ phát triển nước ngoài của chính phủ Nhật Bản) đã hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực quan trọng, như: Chăm sóc sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện thực hành quản trị, cải cách môi trường và kinh tế. Sự hỗ trợ này đã đóng một vai trò quan trọng trong mức tăng trưởng chung của Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố được nêu trong cuộc khảo sát, có không ít những khía cạnh khác đã thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt - Nhật. Một trong số đó chính là sự tăng cường giữa quan hệ chiến lược hai nước. Một tuyên bố chung được ban hành vào năm 2006 mang tên “Hướng tới Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á” đã xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác an ninh. Cả hai bên đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và pháp quyền ở Biển Đông. Việt Nam và Nhật Bản cũng tìm thấy điểm chung trong bối cảnh tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng” do Mỹ thúc đẩy.

Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản. Theo thống kê, có khoảng hơn 20.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại “xứ sở hoa anh đào”. Theo luật mới, Nhật Bản sẽ cho phép hơn 300.000 lao động nước ngoài vào quốc gia này. Trong vòng 5 năm tới, những công nhân nước ngoài này có thể tìm kiếm cơ hội việc làm trong một số lĩnh vực, như xây dựng và điều dưỡng. Đây là những ngành hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Chính sách cũng quy định, những “công nhân lành nghề” có thể ở lại đến 5 năm. 
 

Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản do đảng Dân chủ Tự do (LDP) chiếm đa số đã chính thức bầu Chủ tịch đảng này, ông Yoshihide Suga, làm tân Thủ tướng thay cho ông Shinzo Abe. Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nhật Bản diễn ra 2 ngày sau khi Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã vượt qua 2 ứng cử viên khác để giành ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền thay cho Thủ tướng Shinzo Abe. Tại cuộc bỏ phiếu của đảng LDP, ông Suga đã giành được 377 trong tổng số 534 phiếu hợp lệ, trong khi ông Kishida nhận được 89 phiếu và ông Ishiba chỉ nhận được 68 phiếu.

Theo Japan Times; CNN; CNBC

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhat-ban-nhung-uu-tien-cua-tan-thu-tuong-yoshihide-suga-jtX7xXFGg.html

Bình luận của bạn