VOV.VN - Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này sẽ tiến hành tiêm phòng vaccine chống virus SARS-CoV-2 bắt đầu từ ngày mai (17/2). Còn phía Hàn Quốc cho biết, họ đã đạt được thỏa thuận mua thêm vaccine từ 2 công ty Mỹ.
Các đối đượng Nhật Bản được tiêm đầu tiên là các nhân viên y tế, sau đó đến người cao tuổi. Nhật Bản cũng đang cân nhắc có nên hay không khi tiêm chủng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết rằng chính phủ sẽ làm hết sức mình để có thể sớm phân phối vaccine an toàn và có hiệu quả đến với tất cả người dân.
Trước đó ít ngày, chính phủ Nhật đã cấp phép cho loại vaccine do Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ bào chế.
Có ý kiến của một số Nghị sĩ cho rằng cần phải mở nhiều địa điểm để có thể tiêm chủng vaccine cho nhân dân càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, không nên yêu cầu người cao tuổi phải đến tiêm tại địa điểm quy định mà nên để họ có thể đến tiêm tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, theo ông Kono Taro-người phụ trách chương trình tiêm chủng của Nhật Bản, hiện có nhiều đại phương đã lập kế hoạch sử dụng địa điểm tiêm chủng hàng loạt và các cơ sở y tế để thực hiện việc tiêm chủng.
Nhiều người dân Nhật Bản đang tự hỏi rằng không biết đến khi nào mình mới có thể được tiêm vaccine. Theo một số ý kiến, cùng với việc số lượng vaccine chưa có thể nhập ngay liền một lúc, việc xử lý vaccine cũng cần thời gian, do đó có thể từ 5 - 7 tháng sau mới có thể tiêm chủng lần hết được lần lượt, nghĩa là đến tháng 7 hoặc tháng 9 thì công việc tiêm chủng mới có thể hoàn thành, và khi đó có người mới được tiêm.
Vaccine Covid-19 có thể miễn dịch trong thời gian bao lâu cũng là câu hỏi đặt ra ngay cả đối với chuyên gia Y tế của Nhật Bản. Hiện chưa có có câu trả lời chính xác, nhưng theo phát ngôn của Giám đốc chương trình tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc thử nghiệm lâm sàng vaccine đã bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, và việc tiêm chủng hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Vì vậy, có thể biết được vaccine có tác dụng miễn dịch trong bao lâu thông qua việc tiếp tục theo dõi những người đã từng tham gia thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiện tại WHO vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. WHO đang theo dõi những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên. Các trường hợp như vậy có thể giúp cung cấp thông tin về việc liệu miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài trong bao lâu. Nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận về việc miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hôm nay (16/2) cho biết, nước này đã đạt được thỏa thuận mua thêm vaccine phòng chống Covid-19 từ 2 công ty dược phẩm của Mỹ là Novavax và Pfizer cho 23 triệu người dân, trong đó vaccine Novavax sẽ được sử dụng cho 20 triệu người và vaccine Pfizer là 3 triệu người.
Tuyên bố này của ông Chung Sye-kyun được đưa ra một ngày sau khi các nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng chính phủ nước này đã có sự chậm trễ và lo ngại sẽ có ít người được tiêm chủng hơn trong quý đầu tiên của năm 2021 so với dự kiến trước đó.
Hôm qua (15/2), các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ không sử dụng vaccine chống Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca, Anh, cho những người từ 65 tuổi trở lên, quyết định trái ngược hoàn toàn so với kế hoạch trước đó, bởi đây là loại vaccine được cấp phép sử dụng đầu tiên tại Hàn Quốc.
Với dân số 52 triệu người, chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ đảm bảo tiêm chủng phòng chống Covid-19 đủ liều cho tất cả người dân thông qua việc ký kết sử dụng các loại vaccine như Covax, Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson. Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ bắt đầu giai đoạn tiêm chủng đầu tiên từ ngày 26/2 tới.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 457 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 84.325 người, trong đó 1.534 trường hợp được xác nhận đã tử vong./.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo, Ngọc Huân/VOV1
Bình luận của bạn