VÌ SAO NGƯỜI NHẬT BẢN KHẮT KHE TRONG VIỆC MẶC QUẦN ÁO?

Tùy theo từng dịp, người dân Nhật Bản sẽ chọn những bộ trang phục khác nhau.

heo Realestate Tokyo, Nhật Bản là đất nước với những người sống quy củ. Trên các diễn đàn mạng, không ít câu hỏi về lối sống của người dân xứ anh đào được đưa ra. Cách họ chọn trang phục nhất quán theo từng sự kiện là vấn đề được nhiều người ngoại quốc thắc mắc.

Dress code của cả đất nước

Vấn đề ăn mặc rất được quan tâm ở Nhật Bản. Do đó, nếu không muốn bị người khác hiểu lầm, bạn nên tuân thủ "dress code" (tạm dịch: Quy định trang phục cho từng sự kiện).

Đầu tiên là trang phục công sở. Nếu xem nhiều phim về xứ anh đào, bạn có thể thấy trang phục của họ không khác phương Tây. Nhân viên văn phòng thường mặc suit thể hiện sự lịch lãm khi đi làm việc. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, suit đi làm chỉ nên là màu đen hoặc xanh navy, phối kèm áo sơ mi và cà vạt màu trung tính.

quan ao nhat ban anh 2

Nhân viên ở các công ty Nhật Bản thường nhất quán trong cách ăn mặc. Ảnh: Insider.

Những kiểu suit biến tấu với màu sắc độc đáo không được chấp nhận trong môi trường công sở ở Nhật Bản. Yếu tố gọn gàng cũng được nhấn mạnh. Nam giới nước này không được phép cạo đầu. Trong khi đó, nữ giới phải tuân theo "luật ngầm" không trang điểm đậm, xịt nhiều nước hoa.

Giày đi làm luôn phải sạch bóng và dễ cởi (một số nơi yêu cầu bỏ giày ở ngoài). Tất có vết thủng bị xem là điểm trừ nặng trong mắt người khác.

Đám cưới cũng là dịp tốn nhiều thời gian suy nghĩ cho việc chọn trang phục. Tại Nhật Bản, hai loại đám cưới hiện vẫn được duy trì song song. Theo kiểu truyền thống, nghi lễ cưới sẽ do một thầy tu Thần đạo tiến hành. Cô dâu mặc trang phục trắng, gọi là shiromuku. Chú rể diện hakama và áo khoác có hình gia huy của mình.

Do đó, nếu đến đám cưới kiểu này, những trang phục truyền thống, giản dị sẽ giúp bạn đỡ "lạc quẻ" hơn.

Ngoài ra, nhiều người Nhật cũng làm lễ cưới theo kiểu phương Tây hoặc trong nhà thờ. Cô dâu sẽ mặc váy cưới trắng hiện đại, còn chú rể diện lễ phục trang trọng. Tham dự các đám cưới kiểu này, yếu tố lịch sự và thời trang có thể được đặt lên cao hơn.

Những màu sắc rực rỡ vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu quần áo quá chói, bạn sẽ bị xem là "kẻ không biết điều".

quan ao nhat ban anh 3

Mỗi dịp, người Nhật lại có một kiểu trang phục khác nhau. Ảnh: Wikimedia.

Về trang phục tang lễ, người Nhật Bản cũng có những yêu cầu lịch sự tối thiểu. Thứ nhất, bạn không được phép ăn mặc phô trương. Điều này sẽ bất kính với người đã khuất. Nam giới mặc vest đen, áo sơ mi trắng, đeo cà vạt đen và đi giày đen. Người tham dự tuyệt đối tránh những đồ bóng loáng hoặc trang sức nổi bật.

Phụ nữ phải mặc áo che vai, váy dài tới đầu gối hoặc hơn. Tốt nhất, váy được dùng cần đảm bảo che hết đầu gối kể cả khi ngồi. Tóc cần được buộc gọn gàng. Một bộ kimono đen mờ cũng là điểm cộng khi dự lễ tang.

Tranh cãi vì những điều luật khắt khe

Khoảng cuối năm 2019, một cuộc "biểu tình trên mạng" đã được nhiều phụ nữ Nhật Bản thực hiện sau khi có tin các công ty bắt đầu đưa ra quy tắc chặt chẽ về trang phục công sở.

Theo đó, phụ nữ buộc phải đi giày cao gót, kèm tất, trang điểm đúng quy định và chỉ được để một số màu tóc chuẩn. Đây là cách Bộ Lao động dùng để giảm thiểu tình trạng quấy rối nơi công sở.

Yumi Ishikawa - nữ diễn viên kiêm nhà văn Nhật Bản - đã dẫn đầu phong trào #KuToo. Tên gọi này được ghép dựa trên phong trào #MeToo và từ tiếng Nhật chỉ giày (kutsu) và sự đau đớn (kutsū).

quan ao nhat ban anh 4

Những đôi giày cao gót từng khiến phụ nữ Nhật Bản phản đối dữ dội. Ảnh: The New York Times.

Thậm chí, ở một số công ty, lãnh đạo còn yêu cầu nhân viên nữ phải đeo kính áp tròng thay vì kính thường tại chỗ làm. Điều này bị xem như sự vi phạm nghiêm trọng các quy tắc bình đẳng giới.

Theo số liệu cuối năm 2019 từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nhật Bản chỉ xếp thứ 110/149 quốc gia về cách đối xử với phụ nữ, dựa trên những thước đo như trình độ học vấn, các nguy cơ về sức khỏe.

Không chỉ phụ nữ trong môi trường công sở, học sinh, sinh viên cũng là đối tượng chịu nhiều áp lực vì những quy tắc khắt khe về trang phục, đầu tóc.

Tháng 5/2019, tờ Japan Times đăng tải câu chuyện bức xúc của một học sinh phải cắt tóc 4 lần để phù hợp với quy định của nhà trường. Vì quá bực bội, mẹ nam sinh đã hỏi giáo viên phải cắt sao cho hợp lý. Tuy nhiên, phía nhà trường không đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Nam sinh này chỉ được đi học trở lại sau khi đã cạo đầu.

"Thằng bé phải cắt tóc tới 4 lần. Tiêu chí tóc dường như thay đổi theo từng giáo viên", người mẹ nói với tờ Japan Times.

Các trường khác nhau sẽ có những quy định riêng. Tuy nhiên, bộ quy tắc chủ yếu liên quan đến việc màu sắc, độ dài của tóc. Chiều dài váy của các nữ sinh cũng được quy định rất rõ ràng.

quan ao nhat ban anh 5

Học sinh Nhật Bản phải tuân theo nhiều yêu cầu về kiểu tóc. Ảnh: Nippon.

"Các quy định của trường là những điều tối thiểu mà chúng tôi, với tư cách một tổ chức giáo dục, muốn học sinh tuân thủ", một cựu hiệu trưởng trường trung học tư thục ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) cho biết.

Ông nhấn mạnh trường phổ thông là nơi học tập của học sinh, không phải là chỗ vui chơi. Do đó, họ cần thiết lập kỷ luật nếu không muốn tình trạng hỗn loạn xảy ra.

Trở lại câu chuyện nam sinh phải cắt tóc 4 lần, tờ Japan Times thông tin cậu đã đỗ vào một trường đại học. Tuy nhiên, nam sinh này đã bỏ ngang vì không còn tin tưởng vào người lớn nữa.

Chia sẻ với Japan Times, một nam giáo viên 30 tuổi giấu tên, làm việc tại trường trung học ở tỉnh Fukuoka, nhớ lại nhiều góc khuất mà ít người biết đến. Tại trường anh từng làm việc, một số giáo viên kỳ cựu thường yêu cầu dùng vũ lực với những học sinh không tuân thủ quy định về trang phục, đầu tóc.

"Điều đó chỉ khiến chúng thêm nổi loạn và tổn thương", anh nói.

Tháng 2/2019, một cuộc khảo sát với khoảng 600 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và 400 giáo viên đã được thực hiện. Kết quả cho thấy 87% người được hỏi tin những quy định về đầu tóc, trang phục nên thay đổi phù hợp hơn.

Trong đó, 70% giáo viên thừa nhận không thực sự ủng hộ các quy định về kiểu tóc ở trường. 69% học sinh được hỏi mong muốn có thể để kiểu tóc mình thích.

Đến nay, không có nhiều tài liệu nói về chuyện vì sao người Nhật Bản khắt khe trong cách ăn mặc. Tuy nhiên, theo Nihonnaka, việc sống theo nguyên tắc là đặc điểm chung của người dân xứ anh đào.

"Các nguyên tắc ở Nhật Bản được đưa ra để mọi người sống cuộc đời riêng của mình một cách hòa bình. Không ai có thể làm bạn bị ảnh hưởng. Đó là lý do mọi hoạt động ở Nhật đều rất trơn tru. Tàu luôn đúng giờ, không có rác trên đường phố và tỷ lệ tội phạm thấp bậc nhất thế giới...", cây viết Levin của Nihonnaka chia sẻ.

Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-nhat-ban-khat-khe-trong-viec-mac-quan-ao-post1155239.html

Bình luận của bạn