Việt Nam - Nhật Bản: Cam kết nắm chặt tay

Hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng

Ngày 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế

Tại cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tân Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp truyền thống Việt Nam - Nhật Bản. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng, an ninh, phòng chống Covid-19, đặc biệt là về kinh tế.

Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực. "Tôi đã khẳng định với ngài Thủ tướng Suga về việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. Đặc biệt là một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp trở ngại trong quá trình triển khai" - Thủ tướng nói.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982.

Việt Nam - Nhật Bản: Cam kết nắm chặt tay - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide tại cuộc gặp gỡ báo chí chung sau hội đàm Ảnh: Reuters

Việt Nam đóng vai trò trọng yếu

Bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, nước công du đầu tiên sau khi ông nhậm chức, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Là một quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. "Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới" - Thủ tướng Suga nói.

Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy trình đi lại ngắn ngày (business trip) và tái khởi động đường bay quốc tế 2 chiều. Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa tận dụng tối đa trang thiết bị y tế mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền là 4 tỉ yen. Hai nước sẽ phối hợp để có thể bước trên con đường phục hồi từ dịch Covid-19; nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Đánh giá việc hai bên đã cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, Thủ tướng Nhật Bản tin tưởng hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Thủ tướng Suga cũng thông báo hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực gồm các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng, đồng thời khẳng định cả chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam. "Tôi xin cam kết nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực" - Thủ tướng Suga khẳng định. 

Chính phủ Nhật Bản giúp khắc phục hậu quả thiên tai

Cùng ngày, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều cùng ngày, ông có buổi gặp gỡ, nói chuyện với các sinh viên Trường Đại học Việt - Nhật. Phu nhân Thủ tướng, bà Suga Mariko cùng phu nhân Thủ tướng Việt Nam Trần Nguyệt Thu đã đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chia sẻ những khó khăn mất mát của người dân Việt Nam do mưa lũ ở miền Trung, Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ tới nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa, nhằm giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ có thể khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Số hàng viện trợ này ngay lập tức đã được chuyển từ Nhật Bản và về tới sân bay Đà Nẵng làm hai đợt, đợt đầu tiên vào chiều 19-10.

Quan hệ tiến triển thực chất

Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên không lâu sau khi nhậm chức cho thấy những tiến triển thực chất trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước. Tờ The Times of India (Ấn Độ) đưa ra nhận định trên đồng thời đánh giá Việt Nam có tầm quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược đối với Nhật Bản. Hai nước có mối quan tâm chung về một biển Đông ổn định và hòa bình.

Trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn đối với Nhật Bản, bài viết nhấn mạnh. Ngoài ra, hoạt động hiệu quả trong vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đang trở thành một quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Nhật Bản cũng quan tâm đến việc chuyển các công ty sản xuất của mình khỏi Trung Quốc và Việt Nam là lựa chọn thay thế quan trọng trong khu vực. Việt Nam là lựa chọn ưa thích của các công ty Nhật Bản.

Trong khi đó, báo Asahi (Nhật Bản) nhận định chuyến thăm Việt Nam và sau đó là Indonesia của Thủ tướng Suga nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN. Tokyo muốn duy trì và tăng cường hiện diện cũng như ảnh hưởng tại khu vực này. Chuyến đi còn báo hiệu chính quyền của Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục theo đuổi sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) được người tiền nhiệm Abe Shinzo công bố hồi năm 2016. Mục đích của sáng kiến này là mở rộng hợp tác giữa Nhật Bản và các nước chia sẻ những giá trị chung.

Xuân Mai

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-nhat-ban-cam-ket-nam-chat-tay-20201019214126527.htm

 

Bình luận của bạn